Trong thời gian học sinh cả nước và nhân viên nhiều công ty phải học tập và làm việc từ xa do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều ứng dụng họp trực tuyến ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Trong đó có phần mềm Zoom nổi lên như một công cụ tối ưu để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và việc học của học sinh.
Ngày 11/3, ứng dụng Zoom ghi nhận hơn 343.000 lượt tải trên toàn cầu, trong đó 60.000 lượt tải ở Mỹ. Cách đây 2 tháng, ứng dụng này chỉ có 90.000 tổng lượt tải trên toàn thế giới. Hiện, trên kho ứng dụng Google Play, Zoom có hơn 50 triệu lượt tải xuống.
Tại Việt Nam, một ứng dụng khác tương tự Zoom cũng được phát triển và nhận được sự ủng hộ từ người dùng. Ứng dụng này có tên TranS, do công ty NamViet Telecom tạo ra. Trong tháng 3, thời điểm bùng phát dịch bệnh, ứng dụng TranS ghi nhận lượng người dùng tăng 45%, số phòng tạo mới tăng 40%.
Tuy vậy, nhiều phát hiện cho thấy ứng dụng này sử dụng nền tảng của Zoom. Một số ý kiến cho rằng đây đơn thuần chỉ là ứng dụng giúp khởi chạy Zoom không hơn không kém.
Ứng dụng TranS do công ty Việt Nam phát triển bị tố sao chép từ Zoom.
Trả lời Zing.vn, đại diện công ty Nam Việt, ông Trần Thanh Song khẳng định ngay từ đầu TranS đã minh bạch việc sử dụng nền tảng của Zoom. Đồng thời, đại diện TranS cho biết việc sử dụng này hoàn toàn hợp pháp.
“Như công bố trên website của TranS, ứng dụng này được phát triển sử dụng chung nền tảng công nghệ với Zoom. Do vậy khi vào phòng, người dùng sẽ thấy giao diện của TranS giống Zoom”, ông Song cho biết.
Theo ông Song, TranS sử dụng giấy phép Zoom SDK license dành cho nhà phát triển ứng dụng để hợp pháp phần mềm.
"Đương nhiên chúng tôi phải trả phí bản quyền hàng năm cho Zoom để giấy phép này có hiệu lực. Cơ chế kiểm soát giấy phép của Zoom rất linh hoạt và chặt chẽ. Tất cả người dùng nền tảng Zoom muốn hoạt động đều phải xác thực qua máy chủ bản quyền của công ty này. Nhà phát triển như chúng tôi dễ dàng tùy biến nhưng khó lòng qua mặt họ về vấn đề bản quyền", ông Song phân tích.
Mặc dù dựa trên nền tảng Zoom nhưng theo ông Song, TranS phải thêm nhiều tùy biến để khác biệt và nhận được sự ủng hộ từ người dùng.
So với Zoom và các nền tảng khác, TranS cho phép một tài khoản quản lý, tham gia nhiều phòng họp cùng lúc.
Đơn cử như Zoom, mỗi tài khoản người dùng chỉ có thể tạo một phòng họp video. "Như vậy, với nhu cầu giáo dục, nếu giáo viên muốn theo dõi, giảng dạy nhiều lớp học, họ phải tạo thêm nhiều tài khoản, gây khó khăn trong quản lý", ông Song cho biết.
Bên cạnh đó, dù không có hệ sinh thái đi kèm tốt như Hangout hay Microsoft Teams, TranS vẫn được ủng hộ bởi giao diện sử dụng đơn giản, không quá nhiều tính năng chuyên sâu. Nhưng khi so với Zoom, TranS có nhiều tính năng thiết thực để quản lý việc họp và học trực tuyến hơn.
Một số tính năng có thể kể đến như hỗ trợ điểm danh và xuất ra file Excel chỉ bằng một thao tác. Số liệu điểm danh dựa trên giờ vào/ra lớp học. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy chủ trong nước cũng giúp TranS cho chất lượng gọi video mượt hơn các ứng dụng đặt server ở nước ngoài như Teams, Facebook hay Zoom.
Như vậy, TranS là nền tảng dựa trên cốt lõi của Zoom và thêm vào các tùy biến để phù hợp nhu cầu của người dùng Việt.
"Như một chiếc ôtô được mang thương hiệu Việt. Chúng tôi sử dụng động cơ từ hãng khác. Tuy vậy, những tiện ích, thiết kế đi kèm đều là chất xám của người Việt", kỹ sư trưởng của nền tảng họp trực tuyến TranS ví von.
Vấn đề bản quyền luôn là vấn đề nóng trong giới công nghệ!