27 07

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu



Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần tổng số 70% giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.


Công nghiệp cơ khí là ngành có sản lượng tốt nhất


Tại buổi giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2022, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại.

Hiện có 6 ngành được ưu tiên phát triển công nghiệp ở Việt Nam hiện, trong đó có ngành điện, điện tử và cơ khí. Trong đó, ngành công nghiệp cơ khí (điển hình là ngành sản xuất xe máy với sản lượng 2,5 triệu xe/năm) có sản lượng tốt nhất. Tỉ lệ nội địa hoá cũng như sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam đã ở tất cả các lớp cung ứng, các lớp sản phẩm như điện, điện tử, cao su, nhựa.

Nổi bật với thương hiệu Toyota, ngành công nghiệp ô tô có sản lượng thấp hơn so với công nghiệp sản xuất xe máy (Toyota đạt 426.000 xe/năm, trong đó 60% được lắp ráp trong nước với model khác nhau).

Thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Tuy nhiên, do năng suất lao động của Việt Nam còn thấp (theo báo cáo của Jetro, tỉ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%) nên số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn hạn chế. Ông Akutsu Michio, chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản cho rằng, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực chất lượng. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn cũng gặp nhiều khó khăn do năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh và thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Tìm kiếm giải pháp trong chuỗi cung ứng


Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, khoảng 5 năm gần đây, luồng chuyển dịch nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về Việt Nam khá rõ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, VASI đã tập trung tìm kiếm giải pháp trong chuỗi cung ứng bằng cách hình thành nhóm doanh nghiệp và nhóm lĩnh vực để tập trung gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, với hy vọng có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản và toàn cầu.

Ông Akutsu Michio đề xuất, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại. Những doanh nghiệp này có thể cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hoá cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương cũng đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Theo Tạp chí Cơ khí