Sự phát triển của xu hướng tập trung hóa và ảo hóa các nguồn lực tại Trung tâm dữ liệu yêu cầu một nền tảng mạng có khả năng đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo tính kiên cường, và có khả năng mở rộng cao cho Trung tâm dữ liệu.
Cơ sở hạ tầng mạng là một kết cấu cung cấp truy cập an toàn cho người dùng đầu cuối tới các dịch vụ của Trung tâm dữ liệu, và là cơ sở hạ tầng cho việc phát triển, kết nối, và tập trung các thành phần chia sẻ của Trung tâm dữ liệu khi cần, bao gồm các ứng dụng, các hệ thống máy chủ, các thiết bị, và các hệ thống lưu trữ. Một hệ thống mạng Trung tâm dữ liệu được xây dựng và lập kế hoạch tốt cung cấp khả năng bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu và dịch vụ, tối ưu hóa các ứng dụng về mặt hiệu năng và độ sẵn sàng, cho phép đáp ứng một cách nhanh chóng những yêu cầu thay đổi về mặt thị trường, về mức độ ưu tiên trong kinh doanh, và về sự phát triển công nghệ.
Kiến trúc mạng định hướng dịch vụ (SONA – Service Oriented Network Architecture) của Cisco đưa ra nền tảng định hướng cho các doanh nghiệp nhằm phát triển một hệ thống mạng thông tin thông minh (IIN – Intelligent Information Network), cho phép tối ưu hóa các ứng dụng, các nguồn lực và các quy trình kinh doanh. Kiến trúc mạng định hướng dịch vụ của Cisco (SONA) dựa trên một nguyên tắc cơ bản, đó là bằng việc đầu tư một cách đúng đắn vào hệ thống mạng, một doanh nghiệp có thể tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, đảm bảo sự vững vàng và ổn định trong kinh doanh, giảm thiểu chi phí và cải thiện mối liên kết, hiệu chỉnh giữa hệ thống Công nghệ thông tin với mức độ ưu tiên của công việc kinh doanh. Điều này hoàn toàn đúng và hết sức rõ ràng đối với Trung tâm dữ liệu.
Kiến trúc mạng Trung tâm dữ liệu của Cisco (DCNA – Data Center Network Architecture), dựa trên nền tảng Kiến trúc mạng định hướng dịch vụ (SONA), cung cấp cho doanh nghiệp khả năng tập trung hóa, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cho phép hỗ trợ các kiến trúc và công nghệ đang phát triển như kiến trúc định hướng dịch vụ, công nghệ ảo hóa, công nghệ tính toán theo yêu cầu (On-demand Computing), với phương thức tiếp cận theo Kiến trúc. Phương thức tiếp cận theo Kiến trúc cho cho phép các nhà quản trị Trung tâm dữ liệu thực hiện việc xây dựng, triển khai các công nghệ phần mềm, các công nghệ lưu trữ và các công nghệ tính toán một cách linh động, mềm dẻo sao cho cho phù hợp nhất và hỗ trợ tốt nhất các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Bằng việc đề xuất các kiến trúc tham chiếu đã được kiểm nghiệm và công nhận, những mô hình thiết kế thực tế đã được chứng minh, và những mẫu cấu hình chung cũng như cấu hình dành riêng, Cisco giúp các nhà quản trị Công nghệ thông tin tiếp cận với mô hình kiến trúc Trung tâm dữ liệu với sự rủi ro ít nhất, giảm thiểu thời gian và chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
Kiến trúc mạng Trung tâm dữ liệu (DCNA) của Cisco cung cấp nền tảng có khả năng mở rộng, cho phép các Trung tâm dữ liệu có thể áp dung và triển khai các công nghệ và hệ thống truyền thống cũng như các công nghệ và hệ thống mới, đang phát triển mạnh. Các công nghệ đó bao gồm:
i) Ứng dụng đa lớp (N-tier Appplications): đảm bảo an ninh cho các khu vực mạng, hỗ trợ các môi trường ứng dụng hai lớp, ba lớp và nhiều hơn nữa bằng việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật nhằm tối ưu hóa độ sẵn sàng của các ứng dụng và độ hiệu dụng của các hệ thống máy chủ cũng như các hệ thống lưu trữ.
ii) Các ứng dụng Web (Web Applications): các công nghệ tối ưu hóa hệ thống máy chủ (Server Optimization) và tăng tốc ứng dụng (Application Acceleration), bao gồm cả các ứng dụng HTML, cung cấp khả năng mở rộng cho hệ thống và cung cấp các ứng dụng đến người dùng cho dù họ ở bất kỳ đâu.
iii) Máy chủ dạng phiến (Blade Servers): kiến trúc Trung tâm dữ liệu cho phép giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc triển khai các máy chủ dạng phiến bằng việc cung cấp nền tảng mạng thông minh, tích hợp công nghệ Ethernet và công nghệ chuyển mạch Infiniband (công nghệ kết nối I/O tốc độ cao) cùng với hướng dẫn triển khai, cho phép tối ưu hóa độ sẵn sàng, độ an toàn và hiệu năng của máy chủ dạng phiến.
iv) Clustering, High-Performance Computing và tính toán mạng lưới (Grid): các giải pháp chuyển mạch lưu trữ, chuyển mạch máy chủ, chuyển mạch dữ liệu năng lực cao, cho dù dựa trên bất kỳ công nghệ nào như công nghệ Ethernet, Infiniband hay Fiber Channel, đều cho phép các ứng dụng có yêu cầu năng lực xử lý cao, yêu cầu cao về dữ liệu và các thiết bị vào ra (I/O) sử dụng các kiến trúc tính toán phân tán và kiến trúc lưu trữ này.
v) Kiến trúc định hướng dịch vụ (SOA – Service Oriented Architecture) và các dịch vụ Web: Kiến trúc mạng Trung tâm dữ liệu (DCNA) tạo điều kiện thuận tiện cho việc triển khai một cách nhanh chóng, an toàn và tin cậy Kiến trúc định hướng dịch vụ SOA bằng việc cho phép triển khai cơ sỏ hạ tầng một cách an toàn, linh hoạt và dễ mở rộng, và tăng cường khả năng tích hợp các ứng dụng với các dịch vụ dựa trên thông điệp (message-based service).
vi) Tính toán dựa trên nền tảng Mainframe (Mainframe Computing): Cisco đề xuất một giải pháp toàn diện về mặt công nghệ hỗ trợ giao thức dành cho Mainframe như SNA (Systems Network Architecture), SNA-to-IP, FICON, GDPS và các dịch vụ cơ bản của Mainframe.