15 04

Giải pháp nâng cấp bộ nhớ cho máy chủ



Bộ nhớ là một cấu phần quan trọng trong mọi hệ thống và việc định cấu hình sai cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu năng của hệ thống cũng như các ứng dụng. Trước khi quyết định sử dụng bộ nhớ và số lượng từng mô-đun bộ nhớ để lắp đặt và nâng cấp cho máy chủ, bạn cần phải nhận thức được mức độ quan trọng khi đưa ra những lựa chọn kể trên nếu không muốn gặp phải tình trạng hiệu năng đáng thất vọng, hay mức tiêu thụ điện năng cao hơn dự kiến, hoặc thậm chí là các vấn đề nghiêm trọng hơn như hệ thống không thể khởi động.

Chọn bộ nhớ cho máy chủ


Các loại công nghệ bộ nhớ khác nhau


Đầu tiên, bạn cần phải lưu ý đến khả năng tương thích. Việc kết hợp các mô-đun bộ nhớ từ nhiều thương hiệu khác nhau trong cùng một bank bộ nhớ có thể dẫn đến những sự cố về khả năng tương thích. Nếu bạn lắp đặt sai hoặc sử dụng chồng chéo nhiều công nghệ bộ nhớ, hệ thống vẫn có thể vận hành nhưng sẽ không khởi động được hệ điều hành.

Trên thị trường hiện có 3 công nghệ bộ nhớ chính: UDIMM (DIMM không có bộ đệm), RDIMM (DIMM có thanh ghi) và LRDIMM (DIMM giảm tải). Tuy nhiên, bạn KHÔNG THỂ sử dụng kết hợp cả 3 công nghệ trên, dù về mặt vật lý, những bộ nhớ này đều có kích thước phù hợp với khe cắm bộ nhớ của máy chủ. Nếu cố ý dùng kết hợp, hệ thống sẽ bị lỗi khởi động.

Phương pháp lựa chọn bộ nhớ máy chủ phù hợp


Ngoài ra, UDIMM, RDIMM và LRDIMM cũng vận hành theo các tốc độ bộ nhớ khác nhau. Các máy chủ ngày nay thường tương thích với mô-đun bộ nhớ DDR4 sở hữu tốc độ lên đến 3200MT/giây. Tuy nhiên, tốc độ này có thể thay đổi và giảm xuống tùy theo kiểu bộ xử lý được sử dụng cũng như số lượng mô-đun bộ nhớ được lắp đặt.

Hãy tưởng tượng như bạn đang di chuyển trên một cung đường cao tốc. Khi đường đông, các phương tiện chạy trên đường cao tốc sẽ phải giảm tốc độ nếu không muốn xảy ra tai nạn. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng với máy chủ. Khi lắp cùng lúc nhiều mô-đun bộ nhớ, hệ thống phải làm chậm tần số bộ nhớ để có thể xử lý lượng dữ liệu lớn hơn khi di chuyển đến và đi từ các mô-đun bộ nhớ.

Một điều quan trọng khác là bạn cũng cần phải kiểm tra để đảm bảo tương thích với các nguyên tắc lắp đặt bộ nhớ của nhà sản xuất và nền tảng. Ngày nay, có nhiều nền tảng với các cấu hình kênh bộ nhớ khác nhau. Các bo mạch chủ 4, 6 và 8 kênh bộ nhớ hiện đã xuất hiện trên thị trường và dự kiến đến cuối năm nay, các bo mạch chủ 12 kênh bộ nhớ sẽ chính thức ra mắt. 

Những điều cần cân nhắc khi thiết lập cấu hình máy chủ


Để đạt được hiệu năng tốt nhất, điều quan trọng là bạn cần phải lắp đặt các mô-đun bộ nhớ theo đề xuất kiến trúc của nền tảng. Đây chính là phương pháp cấu hình bộ nhớ cân bằng. Hiệu năng của bộ nhớ có thể bị suy giảm hoặc cấu hình bộ nhớ sẽ trở nên mất cân bằng nếu bạn không tuân thủ các nguyên tắc cấu hình kênh bộ nhớ của nền tảng.

Trong nhiều trường hợp, khách hàng lựa chọn lắp các mô-đun bộ nhớ dung lượng thấp vào máy chủ. Sau đây là những rủi ro mà họ có thể phải đối mặt:

  • Khả năng mở rộng: Nếu lắp kín mô-đun bộ nhớ dung lượng thấp vào máy chủ, bạn sẽ không thể thêm mô-đun bộ nhớ trong tương lai. Bạn sẽ phải gỡ bỏ các mô-đun bộ nhớ hiện có và mua mô-đun mới để đạt được dung lượng tối đa.
  • Mức tiêu thụ điện năng: Việc lắp một số lượng lớn mô-đun bộ nhớ sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
  • Hiệu năng: Bạn còn nhớ ví dụ so sánh về đường cao tốc chứ? Tốc độ bộ nhớ có thể bị giảm xuống khi bạn sử dụng quá nhiều bộ nhớ trên máy chủ.

Thấu hiểu ứng dụng là chìa khóa tạo nên thành công


Nếu nhìn vào tổng chi phí sở hữu, bạn sẽ nhận thấy một điều là việc lựa chọn những tùy chọn rẻ nhất trên thị trường không phải là cách tiếp cận hiệu quả nhất về chi phí. Hãy dành thời gian nghiên cứu về các thông số kỹ thuật trên nền tảng, các tùy chọn nâng cấp và nhu cầu ứng dụng của bạn.

Nếu ứng dụng yêu cầu dung lượng bộ nhớ cao; bạn nên cân nhắc sử dụng các công nghệ bộ nhớ RDIMM và LRDIMM. Trong trường hợp ứng dụng nhạy cảm với băng thông bộ nhớ, bạn nên xem xét các bộ xử lý được lắp đặt và số lượng kênh bộ nhớ có trên nền tảng. Nếu nền tảng sử dụng kênh 8 bộ nhớ, tốt nhất là bạn nên lắp đặt các mô-đun bộ nhớ theo nhóm 8 kênh trên mỗi bộ xử lý để đạt hiệu năng tốt nhất. Một số nền tảng sẽ giới hạn hiệu năng bộ nhớ khi mô-đun được lắp đặt trên bank thứ hai, hay còn có tên là 2DPC (2 DIMM trên mỗi kênh).

Cuối cùng, bạn cũng nên cân nhắc lắp đặt mô-đun bộ nhớ bậc đôi để đạt được hiệu năng bộ nhớ tốt hơn so với các mô-đun bộ nhớ bậc đơn.