Gần 200 phát kiến công nghệ tại hội thảo quốc tế về mạng
Hội thảo khoa học ICISN 2022 thu hút gần 200 công trình nghiên cứu của các tác giả đến từ Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam...Hội thảo Khoa học Quốc tế về mạng và các Hệ thống thông minh (The International Conference on Intelligent System and Networks) - ICISN 2022 lần thứ hai do Swinburne Việt Nam đăng cai tổ chức, dự kiến diễn ra vào 19/3 tại Swinburne Innovation Space. Đây là nơi các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tập trung trao đổi các ý tưởng nghiên cứu, phát kiến mới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo đại diện ban tổ chức, trong số gần 200 công trình nghiên cứu tham gia lần này, có 74 nghiên cứu được hội đồng chấp thuận. Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của bốn diễn giả là các nhà khoa học có bề dày nghiên cứu với các ứng dụng đóng góp lớn trong phục vụ cộng đồng trong nước và khu vực. Đó là PGS. TS Chutiporn Anutariya, PGS.TS Rafidah Md Noor, GS.TS Lam Kwok Yan, PGS.TS. Trần Đức Tân.
Bà Chutiporn Anutariya nhận bằng Tiến sĩ tại Thái Lan và và sau Tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy năm 2003. Luận án Tiến sĩ của bà nhận được giải thưởng luận án của Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Thái Lan.
PGS.TS Chutiporn Anutariya là Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông - Trường Kỹ thuật và Công nghệ (SET) - Viện Công nghệ Châu Á (AIT).
Các dự án và đóng góp gần đây của bà trong "Khoá học trực tuyến đại chúng mở" là một trong những công trình tiên phong ở Thái Lan ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Hướng nghiên cứu của bà chủ yếu về mô hình dữ liệu và nhận thức, phân tích dữ liệu và ứng dụng, dữ liệu mở và công nghệ học tập nâng cao.
Chủ đề "Phân tích hành vi của khách du lịch bằng dữ liệu về quỹ đạo taxi và truyền thông xã hội" của bà tại hội thảo năm nay dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm và trao đổi của cộng đồng khoa học thế giới.
Mang đến chủ đề "Tối ưu hóa thuật toán định tuyến vô tuyến phương tiện bằng mạng AdHoc" là PGS. TS Rafidah Md Noor. Bà hiện là Phó trưởng khoa Khoa học máy tính và CNTT kiêm Trưởng bộ môn Hệ thống và Công nghệ Máy tính tại Đại học Malaya. Từ năm 2016 - 2021, bà là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu (COR), Điện toán Đám mây Di động (C4MCCR). Các kết quả trong nghiên cứu trong chủ đề của bà tại ICISN 2022 hứa hẹn về dung lượng, độ trễ, tỷ lệ phân phối gói, tỷ lệ mất gói và chi phí truyền thông.
PGS.TS Rafidah Md Noor - Phó Trưởng khoa Khoa học Máy tính & Công nghệ Thông tin, Đại học Malaya.
Ngoài ra, các nghiên cứu của bà Rafidah Md Noor ứng dụng khoa học máy tính để xử lý các vấn đề liên quan đến các hệ thống giao thông đường bộ. Nghiên cứu về Hệ thống Giao thông thông minh (ITS) của bà đang được thử nghiệm với hy vọng cải thiện hệ thống giao thông đường bộ cho môi trường đô thị tại Malaysia.
Là một trong những nhà khoa học danh tiếng tham gia hội thảo, GS.TS Lam Kwok Yan hiện là Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Công nghệ Nanyang tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore; Giám đốc điều hành của Trung tâm Chiến lược Nghiên cứu Công nghệ và Hệ thống Bảo vệ Quyền riêng tư (SCRiPTS); Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia thông minh SPIRIT của NTU.
GS.TS Lam Kwok Yan hiện là Giáo sư Khoa học Máy tính, Trường Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
Từ năm 1998, ông đã nhận được nhiều giải thưởng về lĩnh vực An ninh thông tin và giải thưởng về Khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời thành lập nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ AI và Phân tích dữ liệu cho các ứng dụng thành phố thông minh. Từ 2017-2019, ông là Chủ nhiệm chương trình Cộng đồng An toàn của chương trình cao học NTU.
Tháng 8/2020, Giáo sư Lam tham gia Interpol với tư cách là cố vấn về đổi mới công nghệ và không gian mạng. Ông tham gia giang dạy tại nhiều trường đại học lớn như: ĐH Thanh Hoa, ĐH Quốc gia Singapore, ĐH London..., là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Isaac Newton thuộc Đại học Cambridge và Viện An ninh Hệ thống Châu Âu.
Hướng nghiên cứu của Giáo sư Lam Kwok Yan bao gồm hệ thống phân tán, cơ sở hạ tầng bảo mật IoT và bảo mật hệ thống vật lý mạng, giao thức phân tán cho chuỗi khối, mật mã sinh trắc học, an ninh nội địa và an ninh mạng.
Tham dự hội thảo lần này, Giáo sư Lam sẽ chia sẻ những góc nhìn và nghiên cứu với chủ đề "Phân tích các mối đe dọa trên mạng thông minh do AI kích hoạt để nâng cao hiệu suất của các hoạt động không gian mạng".
Thứ tư là PGS.TS. Trần Đức Tân sinh năm 1980 tại Bắc Ninh. Từ 4/2006 đến 5/2019, PGS.TS Trần Đức Tân công tác tại Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, ông được phong hàm phó giáo sư năm 2013 và là phó giáo sư trẻ nhất ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá cho đến nay.
Vào tháng 8/2016, PGS.TS Trần Đức Tân được bổ nhiệm Phó Trưởng Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 6/2019, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Phenikaa.
PGS. TS Trần Đức Tân - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật Điện và Điện tử, Đại học Phenikaa, Việt Nam.
Ông có nhiều năm làm trưởng ban chương trình của một số hội nghị chuyên ngành như: Hội nghị khoa học Quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong Truyền thông (International Conference on Advanced Technologies for Communications-ATC), Hội nghị quốc gia về Điện tử, truyền thông và Công nghệ thông tin (National Conference on Electronics, Communications and Information Technology)... Ngoài ra, ông còn được mời làm phản biện cho hơn 20 tạp chí quốc tế (thuộc danh mục ISI) trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện tử - Xử lý tín hiệu.
Tại hội thảo lần này ông sẽ trình bày về đề tài "Một số hệ thống dựa trên IoT cho các ứng dụng mới nổi", một trong những chủ đề được cộng đồng khoa học quan tâm.
Đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo về Mạng và các Hệ thống thông minh đối với quá trình Chuyển đổi số Quốc gia, Phó Giáo sư Trần Đức Tân cho biết hội thảo quy tụ các nhà lãnh đạo trong ngành, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp để chia sẻ suy nghĩ và nêu lên tiếng nói của họ về các thành phố của tương lai.
"Chuyển đổi kỹ thuật số hứa hẹn cải thiện hiệu quả trong các khía cạnh khác nhau của quản lý, giáo dục, kỹ thuật và công nghệ. Quá trình này cho phép đổi mới và giảm chi phí của một loạt các quy trình kinh doanh. Đây cũng là phiên đặc biệt sẽ có trong hội nghị sắp tới", PGS.TS Trần Đức Tân nhận định.
Ngoài ra, ICISN 2022 còn có sự tham gia trình bày về các giải pháp công nghệ của đại diện các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn tại Việt Nam như: ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ FPT, ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc VinBrain, ông Lê Nhân Tâm - Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam...
Thế Đan